Thứ năm, ngày 10/04/2025 13:32 GMT+7

Học sinh vi phạm giao thông ở ngoại thành Hà Nội "thông chốt", quay đầu nguy hiểm khi thấy CSGT

Lê Minh Thứ năm, ngày 10/04/2025 13:32 GMT+7
Nhiều học sinh, người dân không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, vượt ẩu... thậm chí, sau khi thấy bóng dáng CSGT liền quay đầu xe, thậm chí "thông chốt".

Hiện nay tình trạng vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ ở nhiều địa bàn ngoại thành Hà Nội trở nên phổ biến. Tại một số trường học, nhan nhản các trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe trên 50 cc (dung tích xi lanh) khi chưa đủ tuổi.
Ngày 10/4, Đội CSGT số 11 (CA TP Hà Nội) đã ra quân xử lý các trường hợp học sinh vi phạm giao thông ở địa bàn gần một trường THPT tại huyện Quốc Oai.
Khi thấy bóng dáng lực lượng CSGT, nhiều học sinh liền quay đầu xe, thậm chí lao thẳng vào nhà dân để... trốn.
Một số trường hợp khác quay đầu xe ngay trên đường Tỉnh lộ 421B, khiến các phương tiện phía sau phải tránh, né rất nguy hiểm.
Tại khu vực trường THPT Minh Khai, nhiều học sinh gửi xe ở nhà dân (đối diện cổng trường) do bãi xe trong trường quá tải.
Một trường hợp "thông chốt", lao thẳng vào lực lượng CSGT khi đi qua điểm xử lý trong ngày 10/4 trước cổng trường THPT Minh Khai. Trước đó, Cục CSGT cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Thực tế, thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một số hành vi vi phạm phổ biến như điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; lạch lách, đánh võng...
Từ ngày 1/1/2025, theo Nghị định 151/2024/NĐ-CP, hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xếp loại hạnh kiểm. Quy định mới này nhận được sự đồng tình lớn từ phía học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Theo khoản 10 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 16 - 20 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
... thậm chí dắt xe đi bộ trên địa bàn huyện Quốc Oai.
Lãnh đạo Đội CSGT số 11 cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm an toàn giao thông liên quan đến học sinh, đơn vị cũng đã tuyên truyền, phổ biến luật an toàn giao thông đường bộ tới các trường học trên địa bàn đội quản lý. 
Tính từ ngày 1/1 - 10/4, đơn vị đã xử lý 74 trường hợp vi phạm, tạm giữ 46 phương tiện, lỗi phổ biến như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm...

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168 với các quy định mới, chặt chẽ, nghiêm khắc hơn, do đó phụ huynh cần nêu cao ý thức, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thường xuyên quan tâm, quản lý con mình, nhắc nhở con mình chấp hành tốt pháp luật, không giao xe cho con, em khi chưa đủ độ tuổi quy định, tránh để những hậu quả đáng tiếc đối với các em học sinh do tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tương lai của con em mình và sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông.

"Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục học sinh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông", Lãnh đạo Đội 11 chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.