Toàn cảnh đường Vành đai 1, tuyến đường dự kiến cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026

Theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự kiến ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ chính thức áp dụng lệnh cấm xe máy chạy xăng trong khu vực đường Vành đai 1.

Đường Vành đai 1 đi qua những đâu?

Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ bao gồm các tuyến đường phố bao quanh, khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của thủ đô Hà Nội. Trong ảnh, ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái - nơi bắt đầu đường Vành đai 1 theo thứ tự các tuyến phố.
Tiếp theo là tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, nơi đây có hầm Kim Liên và đi qua công viên Thống Nhất.
Hiện tại, tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn được quy hoạch đồng bộ và hiện đại từ 8-10 làn xe.
Để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Hà Nội đã xây 2 cầu vượt trên trục phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn.
Tiếp theo là đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục vẫn đang thi công, nếu hoàn thành đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục, đây sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín.
Theo kế hoạch, quận Ba Đình cam kết hoàn thành GPMB trong quý I/2025, còn quận Đống Đa dự kiến hoàn tất trong quý II/2025. (Đường kẻ chỉ màu đỏ là dự án đường Vành đai 1 chạy song song với đường Đê La Thành đi qua hai quận Ba Đình và Đống Đa).
Nối tiếp là tuyến đường Cầu Giấy - Bưởi, nơi đây gần công viên Thủ Lệ và tuyến đường sắt Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Chạy song song với đường Bưởi (Vành đai 1) là tuyến đường Vành đai 2.
Tiếp nối đường Bưởi là đường Lạc Long Quân, đây là tuyến đường chạy qua hồ Tây và cũng là nơi gần khu đô thị "nhà giàu" Ciputra, Lotte Mall Tây Hồ.
Vòng tròn đường Vành đai 1 tiếp tục được nối từ ngã 4 đường Long Long Quân - Âu Cơ và chạy thẳng đến Nghi Tàm - Yên Phụ.
Nghi Tàm - Yên Phụ cũng là tuyến đường chính nối phố cổ Hà Nội với sân bay Nội Bài.
Tuyến đường hơn 500 tỷ này hiện có 6 làn xe và vừa hoàn thành việc nâng cấp, thông xe dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2024).
Tiếp nối là trục đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư, nơi đây gần phố cổ Hà Nội và đi qua nhiều cây cầu nổi tiếng như Long Biên, Chương Dương.
Cuối cùng là đường Nguyễn Khoái chạy men theo sông Hồng, đây cũng là trục đường cuối cùng (theo danh sách các tuyến phố) đường Vành đai 1.