Thứ bảy, ngày 17/05/2025 10:00 GMT+7

Nông dân mướt mồ hôi trên cánh đồng làm ra thứ để dệt loại chiếu nức tiếng xứ Thanh

Hữu Dụng Thứ bảy, ngày 17/05/2025 10:00 GMT+7
Nhắc tới Nga Sơn, ngoài truyền thuyết về Mai An Tiêm và quả dưa hấu, cây cói – chiếu cói đã từng là “biểu tượng” gợi nhớ, gợi thương cho vùng đất ven biển xứ Thanh.

Chiếu cói Nga Sơn

Huyện Nga Sơn nằm cách thành phố Thanh Hóa 40km đi về hướng Đông Bắc, từ lâu nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Làng nghề chiếu cói Nga Sơn có lịch sử hàng trăm năm, bắt nguồn từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Cói Nga Sơn nổi tiếng với đặc điểm là sợi nhỏ, dai, óng mượt, đặc biệt là chỉ vùng đất ngập mặn ven biển này mới phù hợp để trồng cói và dệt chiếu.

Từ cây cói, từ sự lam lũ trên đồng cói, sự chịu thương chịu khó, chẳng quản vất vả “ngày phơi, đêm dệt” đã từng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trồng cói, dệt cói ở Nga Sơn.
Ở hầu hết các xã ven biển của huyện Nga Sơn như Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Thanh... người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cói. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nga Sơn, diện tích cây cói trên địa bàn huyện ngày càng bị thu hẹp. Năm 2025, dự kiến chỉ còn khoảng 700 ha. Hiện tại, huyện đang đẩy mạnh thâm canh, tăng giá trị cho cây cói.
Khi nắng lên cao, người dân căng một tấm vải trên đồng tạo thành chỗ trú nắng và tiếp tục công việc. Làm cói mất rất nhiều thời gian, thông thường, trong một ngày, khoảng 4 người mới thu hoạch xong một sào cói.
Trước khi chẻ, cói phải được nhặt sạch bông. Cói chẻ xong thường được phơi ngay trên ruộng, trên những con đê hoặc dọc hai bên đường. Cói được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt.
Sau khi phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau sẽ đến công đoạn chẻ cói. Đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để cói héo sẽ rất khó chẻ. Khi đạt độ khô cần thiết, cói được bán cho các đại lý. Sau khi sơ chế, cói được dệt thành chiếu, hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: làn, mũ, túi xách, đồ lưu niệm... Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cói sẽ làm cỏ, bón phân để cây cói mọc trở lại và nhanh phát triển cho vụ tiếp theo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.