Thứ năm, ngày 15/05/2025 09:22 GMT+7

Nhìn từ trên cao nơi dự kiến là trung tâm hành chính Đà Nẵng sau khi hợp nhất với Quảng Nam

Viết Niệm Thứ năm, ngày 15/05/2025 09:22 GMT+7
Đà Nẵng hiện lên lung linh từ trên cao với sông Hàn uốn lượn, cầu Rồng vươn mình, những bãi biển xanh trải dài, tạo nên bức tranh rất đẹp.

Trung tâm Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Đà Nẵng hiện tại có diện tích 1.285 km2, là thành phố với đa dạng địa hình, thiên nhiên. Ngoài ra Đà Nẵng còn có đường bờ biển đẹp, vùng vịnh, đồi núi, sông, suối, đồng bằng phân bố trong lòng thành phố.
Năm 2024, nền kinh tế Đà Nẵng xếp thứ 17/63 địa phương và dẫn đầu các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.
Sông Hàn là trục cảnh quan quan trọng của Đà Nẵng. Nối hai bờ sông Hàn xinh đẹp có tới 5 cây cầu tiêu biểu như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước...
Đôi bờ sông Hàn cũng được thành phố đầu tư với những công viên, đường đi dạo dọc hai bờ sông, nhiều cây cầu tiếp nhau nối liền hai bờ đông, tây.
Không gian đô thị Đà Nẵng cũng được quy hoạch theo hướng hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển. 
Các dự án bất động sản lớn được đầu tư xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm với các công trình quy mô lớn.
Điểm nhấn cảnh quan thành phố là tòa nhà Trung tâm Hành chính với thiết kế ngọn hải đăng. Được khởi công xây dựng ngày 15/11/2008, công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với thiết kế cao gần 167 m, gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Dọc đôi bờ sông Hàn là hàng loạt công trình điểm nhấn được xây dựng như Bảo tàng Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 504 tỷ đồng. Bảo tàng được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, thẩm mỹ và cơ sở vật chất hiện đại. 
Với gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách.
Một công trình điểm nhấn kiến trúc khác bên dòng sông Hàn thơ mộng đó là công viên APEC (quận Hải Châu) với tổng mức đầu tư 759,15 tỷ đồng. Công trình kiến trúc mái vòm với kết cấu khung thép và tạo hình cong 3 chiều, uốn lượn hình dáng của “cánh diều bay cao”. Công trình không chỉ thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, khát vọng vươn xa của người dân Đà Nẵng mà còn là mong ước về một thành phố xanh, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.
Ngành du lịch Đà Nẵng được xem như ngành kinh tế then chốt, trở thành điểm sáng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo thống kê, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2024 ước đạt 10,9 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,1 triệu lượt; khách trong nước đạt 6,7 triệu lượt. Đến hết năm 2024, Đà Nẵng có 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.527 phòng.
Khu công viên phần mềm số 2 được đầu tư gần 1.400 tỷ đồng (quận Hải Châu) phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là công trình trọng điểm của thành phố, dự kiến có 6.000 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc.
Cảng Đà Nẵng được xác định là một trong những thương cảng quan trọng nhất Việt Nam, quy hoạch trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A trong tương lai. Hiện nay Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.
Sân bay Đà Nẵng là một trong những công trình điểm nhấn của thành phố. Sân bay được tổ chức Skytrax - đơn vị tổ chức và xếp hạng vận tải hàng không quốc tế uy tín công bố xếp thứ 84 sân bay tốt nhất thế giới. Ngoài ra, Đà Nẵng còn được xếp hạng thứ 9 trong top 10 sân bay tốt nhất châu Á.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.