Người phụ nữ trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 nhờ "xé rào", đem lại sức sống cho cây chè Suối Giàng
Rời xa quê hương, chị Lâm Thị Kim Thoa đã quhết tâm nghiệp tại vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng (tỉnh Yên Bái) đến nay tròn 3 thập kỷ. Động cơ thôi thúc chị Thoa gắn bó với nơi cách xa quê hương mình hàng trăm kilomet là bởi chị luôn tâm niệm: "Đồng bào tin tưởng mình và mong muốn gìn giữ hồn cốt cây chè Shan Tuyết".
Chân dung người phụ nữ trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 nhờ "xé rào", đem lại sức sống cho cây chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Clip: Hoàng Hữu
Từ thị trấn Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), chúng tôi vượt hơn 12km với những đồi dốc quanh co, uốn lượn lên đến độ cao hơn 1.200m, Suối Giàng hiện ra giữa lưng chừng mây, bạt ngàn những cây chè Shan Tuyết cổ thụ trải dài quanh sườn đồi, xen lẫn những cây pơ mu thẳng tắp, cao vút trỏ lên trời xanh.
Chị Lâm Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng hẹn gặp chúng tôi ở ngôi nhà sàn mang cái tên rất thơ mộng - Bản Giàng Chân Mây tại xã Suối Giàng, huyện Vân Chấn, tỉnh Yên Bái.
Đây chính là nơi chị Thoa giới thiệu các sản phẩm của HTX Suối Giàng, tiếp đón du khách đến thưởng thức trà Suối Giàng, nghe câu chuyện về trà và văn hóa dân tộc Mông Suối Giàng, cũng là nơi chị Thoa đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm kiến thức về trà và lan tỏa các giá trị văn hoá đặc sắc ở Suối Giàng đến du khách thập phương.
Mời chúng tôi chén trà màu xanh vàng, ánh mật ong, chị Thoa giới thiệu: Trà Suối Giàng có vị thơm mạnh đặc trưng, chát nhẹ, rõ ngọt hậu, dư vị lâu còn lưu mãi nơi cổ họng.
Về nguồn gốc của cây chè, chị Thoa hào hứng kể lại câu chuyện được nghe qua lời kể của những người lớn tuổi, rằng: Theo truyền thuyết người Mông, từ xa xưa, nơi đây là một vùng đất hoang sơ được bao phủ bởi mây mù quanh năm. Vào ngày nọ, có nàng tiên đã đến đây và gieo một loại hạt xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành cây xanh tốt, lá cây xanh ngắt to bằng nửa bàn tay, còn búp lá ngậm sương trắng như tuyết.
Khi ấy có hai vợ chồng người Mông di canh di cư đến đây. Người vợ đi đường xa mệt mỏi, nên người chồng đã lấy lá cây đun với nước suối cho vợ uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống xong họ thấy tỉnh táo, khỏe khoắn lạ thường.
Rồi đôi vợ chồng quyết định ở lại đây, coi loài cây lạ là thứ thần dược và gọi là sùa ziề (tức là cây chè) và đặt tên nơi này là "Suối Giàng" (tức là "suối của trời")...
Cây chè cổ thụ Suối Giàng được trồng ở độ cao hơn 1.000m ở xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có tuổi đời từ 300-500 năm được công nhận và cây di sản Việt Nam.
Gọi chè Shan Tuyết vì shan nghĩa là chè tự nhiên, không phải do con người trồng. Ở mặt lưng của lá chè có một lớp lông măng phủ trắng như tuyết. Do đó nên đồng bào gọi là chè (trà) Shan Tuyết.
Chị Thoa là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Hải Phòng, nhưng đến nay vừa tròn 30 năm chị gắn bó với vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng. Suốt 3 thập kỷ gắn bó với cộng đồng dân cư, lăn lộn tìm đường đi cho cây chè nơi đây đã giúp chị nói thạo tiếng dân tộc Mông và hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây và trở thành một "cô gái Mông" thực thụ.
"Tôi không sinh ra ở Suối Giàng. Sau khi hoàn thành chương trình học chuyên nghiệp vào năm 1993, tôi xin vào làm kế toán của một công ty thương nghiệp ở Yên Bái và được phân công lên vùng đất này công tác. Tôi vẫn nhớ câu vè thời đó mọi người hay trêu nhau "Bao giờ Nghĩa Lộ có kem/Suối Giàng có điện thì em lấy chồng" để nói về sự heo hút, khốn khó của Suối Giàng ngày ấy" – chị Thoa cười, hồi tưởng lại kỷ niệm.
Bộc bạch thêm, chị bảo: Ngày đó "sức trẻ và lòng nhiệt huyết với cây chè" đã thôi thúc và là động lực để chị không ngần ngại khi lựa chọn đến với Suối Giàng, bởi: "Suối Giàng lúc đó chưa có đường, chưa có điện… thậm chí chỉ cần một tiếng còi ô tô là cả xã cũng nghe thấy".
Nhấp chén trà, tiếp câu chuyện, chị Thoa kể: Những ngày đầu, đặt chân lên vùng đất này, phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy những đồi chè bát ngát giữa đỉnh núi phủ đầy sương. Rừng chè Shan Tuyết cổ thụ ở Suối Giàng đã có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, người Mông ở đây cũng gắn bó với những cây chè hàng trăm năm nay, sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác.
Tuy nhiên, cách thu hái, chăm sóc và bảo quản chè tươi của đồng bào Mông còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, giai đoạn năm 2006-2007, nhà máy chè ở Suối Giàng hoạt động không hiệu quả, cây chè thu hoạch ra lại bị tư thương ép giá khiến đồng bào rất lo lắng về việc tiêu thụ chè, thậm chí có thời điểm nhiều nơi còn làm giả chè Suối Giàng…
Chị Lâm Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Suối Giàng chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt về quãng thời gian lặn lộn với cây chè trên non cao Suối Giàng.
Xót xa khi thấy chè Suối Giàng bị "lập lờ đánh lận con đen", chị Thoa đã xin nghỉ việc ở công ty thương nghiệp và cùng với 6 người khác là cán bộ xã thành lập HTX Suối Giàng với quyết tâm lấy lại uy tín và xây dựng thương hiệu cho cây chè Suối Giàng.
"Lúc đó, chúng tôi không hề biết kỹ thuật sản xuất chè là như thế nào. Những mẻ chè cháy, chè hỏng phải đổ bỏ là chuyện bình thường. Tiền vốn của HTX khi đó do các thành viên góp cổ phần chỉ vỏn vẹn 65 triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phải làm bằng được, kể cả "xé rào". Chúng tôi chỉ mong giúp người dân tiêu thụ được búp chè tươi, để đồng bào tin tưởng và giữ cây chè quý", chị Thoa nhớ lại những ngày đầu khốn khó.
Minh chứng thêm về quyết tâm tìm lối đi cho cây chè, chị Thoa trải lòng: "Ngày đấy tôi mở một cửa hàng bách hóa, trong cửa hàng không thiếu một thứ gì, công việc kinh doanh đủ nuôi sống cả nhà. Nếu bà con mang 1 triệu đồng đến cửa hàng, lúc về chắc không còn đồng nào, chỉ có gùi trên lưng nặng thêm vì đựng đầy hàng. Vậy nhưng tôi đã quyết định tạm dừng công việc ở cửa hàng tạp hóa để chuyển sang tập trung cùng anh em phát triển HTX Suối Giàng".
Thêm một lượt nước mới vào ấm trà, chị Thoa tiếp mạch câu chuyện: Trước kia đồng bào Mông thu hái chè vẫn có thói quen bẻ búp chè và cả cành non, bẻ đến bao giờ cành không bẻ được nữa thì thôi, không theo một tiêu chuẩn nào. Không chỉ vậy, bà con vẫn giữ thói quen đốn trụi thân cây chè, nhìn có thể thấy cây chè bị đốn "rất đau", như không còn sự sống. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự sinh trưởng cũng như tuổi thọ của cây chè.
Đến nay, ngày càng nhiều người trong và ngoài tỉnh đều biết đến sản phẩm trà Shan Tuyết Suối Giàng. Trong ảnh: Chị Lâm Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Suối Giàng giới thiệu về sản phẩm trà Shan Tuyết Suối Giàng và du khách đến tham quan khu trưng bày sản phẩm chè tại nhà sàn Bản Giàng Chân Mây tại xã Suối Giàng, huyện Vân Chấn, tỉnh Yên Bái.
Để vận động đồng bào Mông thay đổi cách thức sản xuất chè truyền thống, việc đầu tiên là chị phải học bằng được tiếng của bà con dân bản để giao tiếp, sau rồi mời mọi người đến cùng chọn lọc chè ngay tại xưởng, hướng dẫn bà con cách thu hái chè, thời điểm thu hái búp chè, cách sao chè đúng quy trình để đạt chất lượng tốt nhất…
Được hướng dẫn, dạy cách chăm sóc để cây chè phát triển tốt hơn, hiện nay đồng bào Mông đã thành thạo và đáp ứng tốt khi HTX đặt hàng chè, được phân loại ngay từ vùng nguyên liệu. Đồng thời, thay vì đốn trụi cây chè như trước đây, bà con đã biết đốn tỉa những cành già xấu và phát dọn gốc để giữ ẩm cho cây chè…
Không chỉ thay đổi nhận thức trong trồng, chăm sóc và thu hái chè của đồng bào, chị Thoa còn tới từng nhà trò chuyện, thuyết phục bà con đến HTX làm việc.
"Trước đây, người Mông sống chủ yếu nhờ nương rẫy, chưa có thói quen đi làm thuê cho một đơn vị, cơ sở nào. HTX Suối Giàng là đơn vị đầu tiên làm được việc này. Khi thuyết phục những người đàn ông người Mông đi làm công nhân ở HTX, mình phải thuyết phục cả người vợ họ nữa. Những ngày đầu anh em đi làm chè, có nhiều nhà vợ đứng ngay ngoài cổng để canh chừng xem có đúng chồng đi làm thật không hay lại đi uống rượu" – lời chị Thoa kể lại.
Lâu dần, đồng bào Mông đã tin tưởng, cùng tham gia mô hình kinh tế tập thể của HTX. Không chỉ những người đàn ông, mà phụ nữ Mông cũng được chị Thoa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn những kĩ năng tiếp thị, bán hàng… Hiện nay, người lao động làm việc tại HTX được trả từ 150.000-330.000 đồng/ngày công, là con số đáng mơ ước của đồng bào nơi đây.
Ròng rã suốt hai năm gây dựng, phải đến 2010, hoạt động của HTX mới tạm thời ổn định. Tuy nhiên khi đem sản phẩm của HTX đi chào hàng, chè Suối Giàng gần như không ghi dấu ấn với khách hàng. Suối Giàng thời điểm đó không thể cạnh tranh với chè Thái Nguyên, thậm chí không thể cạnh tranh với chè Bát Tiên trồng ngay tại Yên Bái...
"Mặc dù rất chán nản, không có doanh thu, nhưng niềm tin chè Suối Giàng sẽ phát triển và khát vọng giúp đồng bào có cuộc sống đầy đủ hơn từ chính đặc sản của địa phương đã giữ chân mình, không cho mình chùn bước" – chị Thoa tâm sự.
Với nghị lực và tâm huyết với việc gìn giữ, phát triển thương hiệu cây chè Suối Giàng, đến nay, ngày càng nhiều người trong và ngoài tỉnh đều biết đến sản phẩm trà Shan Tuyết Suối Giàng. Đó là kết quả của những lần tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, các sự kiện văn hóa, là kết quả của những lần tham gia các cuộc thi đánh giá chất lượng trà…
Nhờ đó, trà Suối Giàng đã và đang lấy lại được uy tín, niềm tin của người tiêu dùng, từng bước khẳng định vị trí "thánh địa chè Việt".
Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Shan Tuyết Suối Giàng đến người tiêu dùng trên cả nước, những năm vừa qua, HTX Suối Giàng còn chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho thành viên và bà con.
Sau nhiều năm, HTX Suối Giàng đã thành công trong việc thay đổi hình thức sản xuất chè cho các đồng bào Mông từ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, giá cả bấp bênh sang hợp tác sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Đầu năm 2016, quần thể 400 cây chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng tiếp tục được công bố là Cây di sản Việt Nam. Tìm lại được thương hiệu, vị thế của chè, chị Thoa tiếp tục cùng với những người yêu trà tìm cách nâng tầm vị thế cho chè Suối Giàng, nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới.
Từ chỗ sản xuất sản phẩm trà xanh truyền thống, đến nay HTX đã sản xuất được 4 dòng sản phẩm chủ đạo với thương hiệu "Tuyết Sơn Trà", gồm: Diệp trà, Hồng trà, Bạch trà, và Hoàng trà.
Chị Lâm Thị Kim Thoa âm thầm cùng với những người yêu trà tìm cách nâng tầm vị thế cho chè Suối Giàng ròng rã 30 năm qua.
Các sản phẩm đều có logo, tem nhãn nhận biết và truy xuất nguồn gốc. Hiện HTX Suối Giàng đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt với đặc thù của ngành chè là sản xuất theo mùa vụ, nên tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động là rất khó khăn. Bởi vậy hiện nay, HTX mở rộng ngành nghề sang du lịch để trà Suối Giàng ngày càng được nhiều người biết đến, giúp đồng bào nơi đây có thu nhập kép từ cây chè.
Vượt qua bao khó khăn, thử thách, chị Lâm Thị Kim Thoa đã cùng HTX Suối Giàng từng bước đi đến đích thành công, khi mang thương hiệu trà Shan Tuyết Suối Giàng bay xa đến các thị trường trong nước và thậm chí cả các thị trường nước ngoài khó tính như Anh, Nhật Bản...
Chị Lâm Thị Kim Thoa đã thành công khi mang thương hiệu trà Shan Tuyết Suối Giàng bay xa đến các thị trường trong nước và thậm chí cả các thị trường nước ngoài khó tính như Anh, Nhật Bản...
Cuối tháng 5/2022, HTX Suối Giàng đã chính thức ký hợp đồng cung ứng sản phẩm trà dài hạn với một số công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản. Năm 2022, doanh thu của HTX Suối Giàng đạt gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là đồng bào dân tộc ở Suối Giàng.
Mới đây nhất, HTX Suối Giàng có hai sản phẩm là Diệp trà và Hồng trà Shan Tuyết được xuất khẩu sang Anh - một thị trường khắt khe, khó tính, có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu nông sản.
Chị Thoa phấn khởi chia sẻ, suốt 30 năm nay, cùng với việc vận hành, phát triển HTX và thương hiệu trà Shan Tuyết Suối Giàng, chị vẫn luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi để làm ra những loại trà mới. Giờ đây, tình yêu trà của chị đã truyền sang con trai chị là Nguyễn Mạnh Linh.
Chàng trai trẻ này có thể phân biệt các loại chè chỉ thông qua hương trà. Chị vui vì hiện nay ngày càng nhiều người yêu chè, tâm huyết với vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng, nhất là những người trẻ như con trai chị. Nhờ vậy, những dự định trong tương lai để phát triển vùng chè cổ thụ Suối Giàng sẽ ngày càng có nhiều người đồng hành.
Nói về chị Lâm Thị Kim Thoa, ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng chia sẻ, chị Thoa là người tâm huyết với vùng Suối Giàng, nhất là với cây chè Shan Tuyết.
"Đây là người phụ nữ người dám nghĩ dám làm, từ khi không có gì trong tay đã từng bước vượt khó, "xứ rào", xây dựng thương hiệu uy tín cho cây chè, hỗ trợ bà con chăm sóc, thu hái chè, bao tiêu chè cho bà con... Đồng thời, chị cũng là một trong những người khởi điểm phát triển sản phẩm du lịch Suối Giàng gắn liền với cây chè Shan tuyết, góp phần quảng bá trà Suối Giàng".
Việc HTX Suối Giàng ra đời đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cho địa phương như giải quyết việc làm, bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết, giúp tiêu thụ các sản phẩm của bà con.
Từ đó, khuyến khích đồng bào kinh doanh phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả của công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Năm 2022, mức thu nhập bình quân đầu người ở xã Suối Giàng đạt 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm trên 9%.
Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết, chị Lâm Thị Kim Thoa là người tâm huyết với vùng Suối Giàng, nhất là với cây chè Shan Tuyết.
Cũng theo ông Giàng A Đằng, chè Shan Tuyết Suối Giàng nổi tiếng là loại trà thượng hạng với "năm cực, hai không".
"Năm cực" là "cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực hiếm và cực đắt". Còn "hai không" là "người mua thì không được dùng" và "người dùng không phải mua", nghĩa là đây là loại trà đực đắt, chủ yếu người mua dùng để làm quà biếu.
Nhờ được nâng tầm thương hiệu, từ chỉ vài nghìn đồng một cân chè búp tươi trước đây, đến nay giá chè búp đã tăng cao hơn rất nhiều. Đối với chè 1 tôm 2 lá vào thời điểm thấp nhất có giá 11.000-12.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có khi lên đến 25.000 -30.000 đồng/kg. Chè 1 tôm 1 lá được thu mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg, còn chè tôm được thu mua với giá 250.000-270.000 đồng/kg.
Nhờ đó, đồng bào Mông ở Suối Giàng rất phấn khởi, tin tưởng và càng có ý thức chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây chè Shan Tuyết cổ thụ quý giá.
Với những đóng góp cho vùng đất Suối Giàng, chị Lâm Thị Kim Thoa vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vào các năm 2016, 2019; Bằng khen của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2018. Năm 2022, chị Thoa cũng là 1 trong 10 cá nhân đã đạt "Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái".
Đặc biệt, năm 2023, chị Lâm Thị Kim Thoa được tôn vinh là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".
Tôm càng xanh (tên khoa học Macrobrachium rosenbergii), còn được gọi là tôm sông hay tôm nước ngọt khổng lồ có giá trị về mặt thương mại. Nhờ nuôi tôm càng xanh, anh Nguyễn Tấn Tài, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng.
Thủ môn U22 Việt Nam bỗng dưng ‘biến mất’ tại Singapore; 2 sao hot dự kiến sẽ về Real Madrid nếu Alonso nhậm chức; HLV Ruben Amorim xác nhận Viktor Gyokeres không nên đến M.U; Rashford từ chối Aston Villa; Pique và bạn gái bị đồn chia tay 'vì người thứ ba’.
"Không thể vì trụ sở kia to hơn mà chọn, làm như vậy là thiếu trách nhiệm", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu quan điểm về việc lựa chọn trụ sở làm việc, liên quan đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg hôm 30/4 tuyên bố: "Người Ukraine đã nói họ sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ... Họ sẵn sàng đi đến mức đó – họ đã nói với tôi điều đó vào tuần trước".
Đưa tên lửa vượt Trường Sơn, bám trụ giữa mưa bom bão đạn, Sư đoàn Phòng không 367 đã làm nên kỳ tích: bắn hạ B-52, diệt AC-130 ngay giữa vùng rừng núi hiểm trở của đất bạn Lào. Dưới địa hình khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề, những người lính tên lửa vẫn vững tay điều khiển khí tài, bảo vệ huyết mạch giao thông chiến lược – tuyến đường Hồ Chí Minh.
Công an tỉnh Nghệ An khởi tố huấn luyện viên Tôn Quý Hòa về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền chế độ của vận động viên trong thời gian dài.
NSƯT Lê Thiện cho biết, sau khi biểu diễn Lễ kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bà được người dân nhận ra và dành những tình cảm trân quý.
Sau thời gian nuôi tôm công nghiệp không hiệu quả, gia đình chị Ðặng Thị Ái, 40 tuổi, hội viên phụ nữ ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi cá bống tượng trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống, mang lại hiệu quả kinh tế cao gần 10 năm qua.
Số lượng ốc ruốc thu hoạch sau mỗi chuyến đi chỉ nhỉnh hơn 1/10 so với cùng kỳ khiến nhiều ngư dân vùng bãi ngang ven biển Đức Minh không đưa phương tiện ra khơi khai thác trong vụ thu hoạch “lộc biển” năm nay 2025.
Thỏa thuận khoáng sản cho phép Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine có lợi cho cả hai quốc gia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết hôm thứ Năm.
Ngày 1/5/2025, Công ty Điện lực Huế đã huy động nhân, vật lực để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện tại cụm Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, thị xã Hương Thủy.
ĐT Việt Nam sẽ chào đón trở lại những gương mặt cũ lẫn cầu thủ Việt kiều chất lượng dưới thời kỳ mới của HLV Kim Sang-sik sau một thời gian dài thử thách, trước thềm trận đấu then chốt với ĐT Malaysia tại vòng loại Asian Cup 2027.
Lãi suất ngân hàng cao nhất hôm nay 1/5: Dự kiến, chính sách lãi suất đặc biệt nhằm tăng quyền lợi cho khách hàng tại MBBank sẽ kết thúc vào ngày 31/5/2025.
Công an tỉnh Khánh Hòa và các lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân nghi án chồng giết vợ rồi tự sát ở phường Phước Long (TP.Nha Trang).
Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, hồ Dầu Tiếng vẫn lặng lẽ tưới mát những cánh đồng Tây Ninh, chắp cánh cho giấc mơ no ấm. Từ dấu tích chiến tranh hoang hóa, dòng nước ngọt lành ấy đã hồi sinh đất đai, đổi thay cuộc sống, mở ra tương lai trù phú cho một vùng biên cương.
Lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức chuyến tàu du lịch với tên gọi "Hành trình văn hóa miền Đất Võ", nhân dịp lễ 30/4 và 1/5, mang lại trải nghiệm thú vị đến du khách.
Trong biển người xếp hàng ở khắp các ngả đường đón chào các khối diễu binh, diễu hành đại lễ sáng 30/4 tại TPHCM, những hộp sữa tươi TH true MILK, Dalatmilk được truyền đến tay bà con, như một niềm tự hào được chung sức, sẻ chia với nhân dân trong sự kiện đặc biệt của đất nước.
Trong lần đi câu cá ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ông Lê Thanh Bình, cán bộ VNPT Cà Mau thấy khúc gỗ to chắn ngang con lộ (đường) nhựa. Ông trả số xe, tăng ga định vượt qua chướng ngại vật, nhưng ai ngờ “khúc gỗ” lại di chuyển…khả năng là một con rắn hổ mây khổng lồ huyền thoại...
Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ba cơ sở nội tuyến của ngành Binh-địch vận cài vào hàng ngũ địch lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Thôn và Lê Quang Ninh.
Tỉnh Tiền Giang hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ gần 42.000 ha vườn cây ăn trái, cây đặc sản, trong đó có cây sầu riêng tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, trong đó có trên 22.000 ha vườn trồng sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, anh Nam, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nuôi 6-7 vụ cá trê giống và 2 vụ cá trê đồng thương phẩm. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm.