Thứ hai, ngày 07/07/2025 16:24 GMT+7

Ba di tích trăm năm tuổi ở phố cổ Hà Nội tạm dừng đón khách

Phạm Hưng Thứ hai, ngày 07/07/2025 16:24 GMT+7
Theo thông tin từ Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, ba di tích gồm: Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) và Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) sẽ tạm dừng đón khách để phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo và bảo đảm an toàn.

Ba di tích ở phố cổ Hà Nội tạm dừng đón khách để tu bổ, tôn tạo

Đây đều là những địa chỉ văn hóa quen thuộc, gắn liền với đời sống tinh thần và lịch sử của người dân Hà Nội, đồng thời là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Trong ảnh, Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu còn được bảo tồn nguyên vẹn, phản ánh rõ nét kiến trúc và sinh hoạt của cư dân phố cổ thế kỷ XIX.
Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây có diện tích 157,6 m², được xây dựng vuông góc với mặt phố, chiều dài 28m, mặt tiền rộng 5m và mặt hậu 6m. Kiến trúc nhà theo dạng “hình ống” – đặc trưng của nhà phố cổ Hà Nội – với nhiều lớp nhà nối tiếp nhau, xen kẽ là các khoảng sân nhỏ để lấy sáng và thông gió.
Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây sẽ tạm dừng từ ngày 1/7/2025, dự kiến mở cửa lại vào ngày 26/4/2026.
 Sáng ngày 7/7, ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây đang được tu sửa, tôn tạo.
Trước khi được tu bổ, tộn tạo, ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là trung tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Cách Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây khoảng 500 m, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) cũng đang được tu bổ, tôn tạo.
Trước khi trở thành trung tâm văn hóa, địa điểm này từng là rạp hát Sán Nhân Đài, sau đổi tên thành Lạc Việt và Hiệp Thành, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Đây từng là một trong hai rạp hát lớn nhất Hà Nội, nổi tiếng với các buổi biểu diễn chèo. Năm 2013, UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư hơn 60 tỷ đồng để di dời các hộ dân và hợp tác với các chuyên gia từ Toulouse (Pháp) để phục dựng lại công trình. Trung tâm chính thức mở cửa vào tháng 6/2014. 
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội không chỉ là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là không gian văn hóa sống động – nơi tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, triển lãm và giao lưu văn hóa đặc sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội. Dự kiến, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đón khách trở lại từ 21/11/2025.
Cùng với đó, đền Quan Đế (số 28 Hàng Buồm) cũng tạm đóng cửa từ ngày 20/5/2025 và dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 1/2/2026 để tu bổ, tôn tạo.
Hình ảnh đền Quan Đế được tu bổ, tôn tạo (ảnh chụp sáng ngày 7/7/2025).
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, công tác trùng tu lần này không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội mà còn hướng tới việc nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách trong tương lai. Các di tích sau khi hoàn thành tu bổ sẽ được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá lịch sử, kiến trúc và đời sống văn hóa truyền thống giữa lòng phố cổ.
Đền Quan Đế được xây dựng năm 1819. Đây là một trong những đền thờ tiêu biểu của cộng đồng người Hoa tại Hà Nội, đồng thời là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt – Hoa trong khu phố cổ Hà Nội. Hình ảnh đền Quan Đế (số 28 Hàng Buồm) trước khi tu bổ, tôn tạo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.