Từ bắn súng phong trào tới thi đấu đỉnh cao là một hành trình dài, phải đối mặt với nhiều khó khăn, sự lựa chọn?
- Mọi thứ tới với tôi như một chữ duyên, sự kết nối liên tiếp giữa những người thầy giúp tôi ngày càng tiến bộ.
Sau giải toàn quân năm 1997, tôi mới biết có đội ngũ cán bộ, HLV của Trung tâm HLTT Quân Đội bây giờ (Thể Công trước đây – PV) tới tuyển chọn. Tôi nhận được công văn đi tập huấn tại Trung tâm trong 3 tháng. Hết 3 tháng, thời hạn được nâng lên 6 tháng và những HLV của tôi phải trả lời cho thủ trưởng biết có giữ VĐV hay không?
Đây là giai đoạn rất khó khăn với tôi mà nếu không có sự xuất hiện của thầy Lê Tuấn Đồng – Nguyễn Quốc Cường ở Trung tâm HLTT Quân Đội thì có lẽ tôi không thể vượt qua.
Lúc ấy, tôi đã là sĩ quan ở Binh chủng công binh nên rất do dự, không biết mình có nên tiếp tục hay không. Nếu tiếp tục, không có gì chắc chắn mình sẽ trở thành 1 VĐV giỏi, gắn bó lâu dài với bắn súng. Khi ấy, không thể trở lại vị trí cũ mà phải chuyển công tác, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Đứng giữa ngã ba đường, thầy Đồng và thầy Cường đã động viên, “chỉ đường” cho tôi. Thầy Cường khẳng định tôi là người có khả năng. Vấn đề còn lại là ở đam mê và nỗ lực của bản thân tôi.
Lời thầy tôi vẫn nhớ như in. Thầy nói: “Tôi khuyên Vinh nếu đam mê thì hãy gạt bỏ hết những toan tính thiệt hơn. Muốn tạo dựng tên tuổi thì phải lựa chọn. Đã lựa chọn rồi thì không cho phép sai, không cho phép do dự mà chỉ có thể chấp nhận. Đã chọn, đã thực hiện thì phải cố gắng hết mình với 200% sức lực để thành công”.
Sau này tôi nghĩ, nếu thầy không nói như vậy, có thể tôi đã không lựa chọn nữa. Có thể tôi sẽ quay về đơn vị, làm một sĩ quan như trước hay làm một công việc khác mà không có Hoàng Xuân Vinh bây giờ.
Có lẽ hành trình dài đưa tôi từ bắn súng phong trào tới chuyên nghiệp không phải là thời gian đơn thuần. Nó thực sự rất dài nếu xét trên khía cạnh sự thay đổi, biến chuyển về tư duy, nhận thức.
Và chỉ mất 2 năm sau khi tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Quân Đội, năm 2000 anh được gọi vào đội tuyển Việt Nam và đúng 1 năm sau có tấm HCV đồng đội tại kỳ SEA Games 2001 (Malaysia) - một khởi đầu như mơ…
- Tôi đã rất hạnh phúc bởi ngay trong lần đầu tiên xuất ngoại, ngay ở kỳ SEA Games đầu tiên với rất nhiều áp lực được thi đấu bên cạnh “đàn anh” Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Cao Sơn, tôi đã thành công.
Thành tích đó cũng như một nén tâm nhang mà tôi thắp cho người mẹ kế của mình khi bà mất vào đúng năm 2001.
Như vậy là tôi cần 3 năm để có HCV đồng đội SEA Games và có ngờ đâu phải thêm 6 năm nữa, tại SEA Games 2007 (Thái Lan) tôi mới có tấm HCV cá nhân đầu tiên.
Năm đó, tôi đã giành 2 HCV cá nhân, đồng đội súng ngắn ổ quay. Cảm giác rất sung sướng khi mình một lần nữa vượt qua giới hạn của bản thân. Hai tấm HCV đó cũng giúp bắn súng Việt Nam “lội ngược dòng” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chiến thắng rất kịch tính không chỉ của cả nhân tôi mà toàn đội. Trước buổi sáng ngày thi đấu cuối cùng môn bắn súng SEA Games 2007, bắn súng Việt Nam mới chỉ có 3 HCV, còn thiếu 2 HCV so với chỉ tiêu và lãnh đội khá lo lắng. Chúng tôi vào trường bắn rất áp lực nhưng đã thể hiện được hết những phẩm chất tốt nhất. Thừa thắng xông lên, đội súng trường giành thêm 2 HCV cá nhân, đồng đội nữa và toàn đội giành 7 HCV, vượt chỉ tiêu 2 tấm.
Thời gian trôi đi, tính đến kỳ SEA Games 2019 (Philippines) cuối năm ngoái, tôi đã có 10 kỳ SEA Games liên tiếp. Đó cũng là cột mốc đáng nhớ!