Từ những Chi bộ "4 tốt", bình yên trở lại trên các buôn làng ở Cư Kuin (Bài 4)
Hơn 1 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/6/2023, các buôn làng ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã trở lại sự bình yên vốn có. Với sự quan tâm của chính quyền, sự đoàn kết của mỗi người dân, nòng cốt là các chi bộ "4 tốt", đồng bào các dân tộc Cư Kuin đang nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp.
Đi qua những con đường ở các buôn làng huyện Cư Kuin, PV Báo Dân Việt ghi nhận rất nhiều ngôi nhà mới được xây dựng rất khang trang, những vườn cà phê, sầu riêng, hồ tiêu đang trĩu quả và những cánh đồng lúa xanh ngát.
Không còn những gương mặt lo âu, không còn bất cứ dấu vết nào của vụ tấn công, khủng bố cách đây hơn một năm làm một số đồng chí công an xã, cán bộ xã hy sinh, bị thương, khiến người dân bàng hoàng, bất an, lo lắng, các buôn làng của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã trở lại sự bình yên như vốn có, bà con phấn khởi, thi đua phát triển sản xuất trong niềm vui trúng mùa được giá.
Gặp chúng tôi sau khi vừa bán vườn sầu riêng Dona rộng hơn 1ha, gương mặt còn nguyên nụ cười được mùa, bà H'Yêm Byă (buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho biết: "Đầu ra sầu riêng đang vô cùng thuận lợi, thương lái vào tận vườn thu hái. Giá thương lái đặt cọc từ đầu vụ là 83.000 đồng/kg nhưng thời điểm này tôi bớt cho thương lái 5 giá vì giá sầu riêng đang giảm nhẹ, thời tiết không thuận lợi. Dù bớt 5 giá nhưng gia đình tôi vẫn lãi lớn".
Được biết, với sản lượng đạt khoảng 18 tấn, bà H'Yêm nhận "nóng" 1,4 tỷ đồng ngay tại vườn, vậy là thêm một vụ sầu riêng "thắng lớn", đưa gia đình bà được xếp vào danh sách tỷ phú của buôn làng. Vậy mà chỉ hơn một năm trước, bà và rất nhiều người dân ở Ea Ktur hoang mang, lo lắng vì những người lầm đường, lạc lối, tin và nghe theo kẻ xấu, làm rối loạn buôn làng.
"Lúc xảy ra vụ khủng bố, bà con mình lo lắm, vì công việc sản xuất đình trệ, đời sống bị ảnh hưởng. Rất may là các cấp chính quyền vào cuộc, xử lý kịp thời, buôn làng trở lại bình yên, bà con yên tâm làm ăn, sản xuất. Những kẻ vi phạm bị xử lý thích đáng, những người lầm đường lạc lối được vận động trở lại với buôn làng", bà H' Yêm Byă chia sẻ.
Đi một vòng dạo quanh hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu của huyện Cư Kuin, qua những nơi đã từng xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/6/2023, có thể cảm nhận rõ ràng không khí lao động, sản xuất và đời sống của bà con ngày càng no ấm, một diện mạo mới đang phủ lên những con đường, những ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới.
Trụ sở UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã được xây, sửa mới ngay sau vụ khủng bố.
Vừa trao đổi với phóng viên, vừa giám sát thương lái thu mua quả cau, bà H'Bliăk ở buôn K'Ram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin vui ra mặt. Năm nay giá cau rất tốt, lên tới 65.000 đồng/kg, tuy là cây trồng phụ, chỉ trồng quanh hàng rào nhưng cũng mang lại cho bà gần 100 triệu đồng. Gia đình bà H'Bliăk có 2,5ha canh tác xen các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và cau. Nhờ trồng xen nhiều loại cây nên gia đình bà "lúc nào cũng có tiền", thu nhập đều và ổn định.
Điều đáng mừng là, năm nay, giá các loại nông sản như tiêu, cà phê khá cao, bà con thu lãi khá nên rất yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống, nhiều hộ sau một vụ được mùa trúng giá đã thoát nghèo và trở nên khá giả. Khắp buôn làng, người Kinh và người Ê đê sống chan hòa, thân ái, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tối lửa tắt đèn có nhau.
Bà H'Bliăk, Buôn K'Ram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vui vẻ trao đổi với phóng viên về vụ cau được mùa trúng giá.
"Đảng và Nhà nước quan tâm xây nhà cho nhà nghèo, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế; hỗ trợ bà con cây - con giống. Sau vụ khủng bố, bà con nhận thức rất rõ cần cảnh giác, không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật", bà H' Bliăk Niê cho biết.
Khoe với chúng tôi một bọc tiền mặt rất lớn, anh Nguyễn Phú Quý, một thương lái từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến Cư Kuin thu mua sầu riêng cho biết, sau vụ việc ngày 11/6 năm ngoái, anh và nhiều thương lái khác có tâm lý e dè khi đến Ea Tiêu, Ea Ktur để thu mua nông sản.
"Nhưng rất mừng là chỉ một thời gian ngắn, khi các lực lượng chức năng vào cuộc, buôn làng nơi đây đã thực sự bình yên. Các thương lái ra vào thu mua nông sản cho bà con không phải lo lắng bất cứ vấn đề gì về an ninh trật tự. Bạn cũng thấy tôi tự tin cầm theo hàng tỷ đồng tiền mặt, nếu vấn đề an ninh trật tự phức tạp thì làm sao yên tâm được. Nhưng bây giờ thì bà con buôn làng cũng như cánh thương lái tụi mình thấy rất yên tâm, thoải mái mà giao dịch thôi", anh Nguyễn Phú Quý chia sẻ.
Bà H'Nhé Byă, ở Buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin đưa cây chuối vào máy cắt để cho heo ăn.
Bà H'Nhé Byă, ở buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, chia sẻ, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nhất là những hộ nghèo. Bà con được hưởng rất nhiều các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, nhà ở, vốn vay để phát sản xuất, chăn nuôi. Nhân dân trong buôn cũng rất phấn khởi, đoàn kết và cùng nỗ lực xây dựng đời sống ngày càng ổn định.
Đi qua những con đường ở các buôn làng huyện Cư Kuin, chúng tôi ghi nhận rất nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, những vườn cà phê, sầu riêng, hồ tiêu đang trĩu quả và những cánh đồng lúa xanh ngát. Cùng với đó, nhiều con đường đã được thảm nhựa, đổ bê tông, rất nhiều thương lái chở đầy ắp nông sản như sầu riêng, cau từ các nhà vườn về các vựa. Một không khí lao động hăng say, một mùa vụ nông sản thắng lớn, cuộc sống bình yên đang hiện diện ở nơi này.
Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Nguyễn Kim May, Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, cho biết, thời gian qua, UBND xã Ea Ktur đặc biệt quan tâm phát triển đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, hoạt động như: xây dựng nhà cho người nghèo; tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ cây giống, con giống. Cùng với đó, các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và các nguồn vay vốn xuất khẩu lao động tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, Phúc Bình Niê Kdăm, sau khi vụ tấn công, khủng bố xảy ra, Đảng bộ, chính quyền huyện Cư Kuin đã tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của đồng bào, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Huyện ủy Cư Kuin tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng "Đảng bộ cơ sở 4 tốt", "Chi bộ cơ sở 4 tốt"; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Đề án số 02-ĐA/HU ngày 14/12/2017 về “Đẩy mạnh phát triển đảng viên là người có đạo gắn với bố trí, sử dụng cán bộ là người có đạo trong hệ thống chính trị cơ sở”, góp phần thay đổi cơ cấu đảng viên, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn…
Thống kê cho thấy, nếu như năm 2016, toàn huyện có 108 đảng viên là người có đạo thì đến nay là 245 đồng chí (bình quân mỗi năm phát triển trên 19 đảng viên), chiếm 5,5% tổng số đảng viên toàn huyện.
Bênh cạnh việc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện cũng đẩy mạnh cải cách hành chính.
Để gắn kết với nhân dân, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Cư Kuin còn phát huy vai trò của già làng, trưởng buôn, người có uy tín - cánh tay nối dài giữa ý Đảng, lòng dân. Đồng thời, huyện quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt, thực hiện hiệu quả chính sách tôn giáo, chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.
Cùng với việc phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được luôn huyện chú trọng thực hiện, triển khai kịp thời chế độ, chính sách cho người nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng hơn 80 căn nhà; 2 nhà sinh hoạt cộng đồng và 43 nhà "Đại đoàn kết" trao tặng hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.
Vụ khủng bố hơn 1 năm trước, mặc dù gây ra đau thương, tổn thất khó có thể bù đắp ở một vùng quê bình yên, nhưng nó không thể chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nơi đây.
Hơn 1 năm trước, vào rạng sáng ngày 11/6/2023, hơn 100 đối tượng đã gây ra vụ khủng bố tại trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 chiến sỹ công an, 2 cán bộ xã hy sinh, 3 người dân tử vong, 2 chiến sỹ công an bị thương. Vụ khủng bố mặc dù gây ra đau thương, tổn thất khó có thể bù đắp ở một vùng quê yên bình, nhưng nó không thể chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nơi đây.
Những luận điệu thiếu thiện chí về Việt Nam sẽ không thể phá vỡ sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền để xây dựng Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung ngày càng ổn định và phát triển. Những gì đã và đang ghi nhận ở Cư Kuin hôm nay đã và đang chứng minh cho điều đó.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến đầu năm 2024, toàn huyện Cư Kuin đã đạt 144/152 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với cuối năm 2022; toàn huyện có 4 xã đạt từ 19 tiêu chí, 4 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 981 hộ, chiếm 3,71%.
Theo nhiều chuyên gia, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý, không để người trồng rừng thiệt thòi.
Xuất khẩu tôm, cá tra trong quý 1/2025 của Việt Nam mang về gần 1,4 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ tôm, cá tra nhiều nhất của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An) đang bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái, động vật hoang dã, trong đó có chim hoang dã, thực vật hoang dã nhiều chủng loài đa dạng ngay tại khu vực trung tâm. Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là vùng bồn trũng nội địa của Đồng Tháp Mười ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông thuộc địa giới hành chính huyện Tân Hưng.
Dù giá sầu riêng đang biến động cũng như thị trường Trung Quốc đang thắt chặt các tiêu chí nhập khẩu nhưng cây sầu riêng vẫn đang được nông dân Cần Thơ lên vườn, trồng mới.
Với mục đích tập hợp hội viên, nông dân trồng rau màu, trong đó có trồng rau ngò gai (rau mùi tàu-một loại rau thơm, rau gia vị) sản xuất tập trung, an toàn, hỗ trợ nhau tìm đầu ra và bảo vệ môi trường, năm 2023, Hội Nông dân phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) cho ra mắt mô hình Tổ hợp tác Ngò gai hữu cơ ở khóm 6
Trong số 133 đơn vị hành chính cấp xã hiện có của TP.Huế, có 1 đơn vị hành chính cấp xã duy nhất được giữ nguyên hiện trạng, không thuộc diện sáp nhập.
Trong kỷ nguyên mới, hai tỉnh Thái Bình - Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “đoàn kết thủy chung” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển vươn lên cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ nơi từng được coi là “địa ngục trần gian", Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã vươn mình thành viên ngọc quý giữa Biển Đông - nơi lưu giữ ký ức đau thương nhưng đầy tự hào, hòa quyện giữa thiên nhiên và lịch sử hào hùng.
Hội Nông dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, trồng rừng, chăn nuôi từng bước nâng cao thu nhập.
Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, làng bún Phương Giai, xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.