Anh thích được người ta gọi là một nhà báo chuyên viết phóng sự, ký sự hay là một nhà báo điều tra hơn?
- Tôi thích cả hai bởi vì thật ra đối với tôi hai danh xưng đó không có sự phân biệt. Khi viết một ký sự, ví dụ như chuyện chúng ta vừa mới nói về bà Triệu Mùi Chài, để rồi độc giả tặng cho bà 500 triệu đồng và giúp bà có khuôn mặt như hôm nay, tôi không quan trọng là viết theo thể loại gì.
Hay bài viết giúp một người nông dân thành một anh hùng, thật ra, lúc đầu tôi viết ký sự về thân phận người nông dân đó. Nhưng bắt tay vào làm, mới bắt đầu lộ ra những oan khuất của người đó. Và tôi lần theo cái oan khuất ấy suốt 5 năm cho đến khi câu chuyện kết thúc có hậu. Trong 5 năm đó tôi lại phải làm rất nhiều bài điều tra khác.
Cho nên với tôi là nhà báo gì không quan trọng, quan trọng là anh có đem lại được cho độc giả những câu chuyện thật, những cảm xúc thật hay không?
Nhưng tôi thấy thật khó để hòa hợp một kẻ lãng mạn, bay bổng cùng một gã lăn lộn hang cùng ngõ hẻm để tìm ra sự thật, đôi khi quá sức trần trụi – trong cùng một Đỗ Doãn Hoàng. Anh làm sao dung hòa được hai bản thể đó?
- Nó cũng giống như một người vừa mặc quần soóc vừa mặc comple vậy. Lúc này tôi ăn mặc tử tế để trả lời bạn. Khi về nhà tôi lại mặc quần đùi áo may ô, vẫn là tôi thôi, tại sao lại là người khác?
Cho nên khi gặp những câu chuyện lãng mạn tôi viết cả một quyển ký sự, như cuốn “Ở lại với ngàn sao”. Đến những vùng đất hoang sơ, kỳ bí trên thế giới là tôi dễ có xúc cảm. Còn khi đi vào những hang ổ như đi xem săn tê giác ở Châu Phi, chứng kiến người ta tàn sát thiên nhiên ở Lào, Campuchia… sự lãng mạn ấy sẽ biến thành những câu chuyện thực tế. Và tôi phải phân tích, mổ xẻ nó để đưa ra lời giải hợp lý nhất.
Hay như khi làm về những vụ lạm dụng tình dục, những vụ phá rừng, đào quặng ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ phân tích mà còn kiến nghị cơ quan hữu trách thay đổi chính sách và luật. Lúc đó kinh nghiệm của chúng tôi là những bài học thực tế. Nhưng vượt trên những cái đó vẫn là sự lãng mạn. Nếu không lãng mạn làm sao theo được tới cùng những vụ như thế.
Để tôi kể anh nghe: Một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, nạn nhân của nó phải tới 10 người, toàn 14 - 15 tuổi. Đêm tôi đi với nó, tôi thấy nó viết lên Facebook rằng “Hôm nay trời quá lạnh, con cần một cái chăn ấm và con nhận ra một điều rằng, trong cuộc đời này người mang chăn cho con chỉ có thể là mẹ. Mẹ là người duy nhất mang cho con hơi ấm mà không đòi hỏi một thứ gì cả”. Tôi hỏi: “Thế mẹ mày đâu?” – “Mẹ cháu chết lâu rồi”…
Thật ra chính những câu chuyện, những số phận tưởng dưới đáy xã hội làm cho bọn tôi thấy cuộc sống lãng mạn hơn.
Có nghĩa chính sự lãng mạn đó đã giữ anh không bị gục ngã trước những sự thật tàn khốc mà anh gặp phải trong khi làm nghề, giúp anh nuôi dưỡng tình yêu với nghề báo?
- Kể cả nó đánh mình cũng chưa hết mơ mộng. Và việc mình cần làm thì vẫn làm. Tôi biết có nhiều người nghĩ tôi là một thằng hoang tưởng. Tôi hoàn toàn có thể chọn cho mình một con đường an toàn, nhàn nhã, sung sướng. Nhưng tôi hơi bị hoang tưởng về sức mạnh của con chữ. Tôi cũng hay hoang tưởng là tôi có thể làm được điều gì đó giúp cho cuộc đời.
Khi tôi dạy các em sinh viên cũng thế. Tôi hoang tưởng là tôi có thể truyền cảm hứng cho chúng. Tôi còn nói với chúng là con tôi cũng đang học báo chí ở nước ngoài, và tôi chỉ ước con tôi được gặp một “lão thầy” như tôi. Vì tôi đang tự tin tôi là một người thầy tử tế. Tôi quá lãng mạn trong chuyện đấy.
Tôi nghĩ mình dạy chúng là mình truyền cảm hứng cho chúng, nhưng tôi có biết chúng nghĩ gì đâu. Biết đâu chúng lại nghĩ “Thằng cha này chỉ khoe khoang, tinh tướng, dạy đời”...
Thật ra tôi quá ảo tưởng. Tôi nghĩ nếu 5 người gặp tôi thì 3 người nói tôi là thằng tâm thần, khoe khoang, kiêu ngạo. Nhưng tôi vẫn tin có người hiểu tôi rất chân thành khi nói lên những điều đó. Nếu tôi cứ đề phòng, tôi sẽ không bao giờ kết nối với họ một cách chân thành được.
Anh vốn nổi tiếng là người lưu giữ tư liệu một cách rất bài bản. Anh có thể tiết lộ một chút về công tác tư liệu của mình vì tôi biết hiện nay, nhiều nhà báo đang bỏ qua công việc quan trọng này?
- Hôm vừa rồi tôi ra mắt mấy cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đến dự và tâm sự rằng: “Đỗ Doãn Hoàng là một người mà tuổi thơ đã nhiều sự kiện nhưng tuổi trưởng thành còn nhiều hơn thế”. Tôi sống đa nhân cách, rất phức tạp và thật sự là sống nhiều cuộc đời. Và ông còn nói thêm “Đấy là người làm báo gìn giữ tư liệu tốt nhất mà tôi đã từng biết”.
Tất cả những cuộc trò chuyện, kể cả cuộc hôm nay, tôi đang ghi âm để lưu lại. Khi tôi tắt điện thoại đi là nó tự động up lên một phần mềm lưu trữ mà hàng tháng tôi trả phí. Tất cả những gì tôi chụp cũng vậy. Kể cả khi tôi bị mất điện thoại thì dữ liệu vẫn còn. Thứ hai là tất cả tư liệu của tôi đều được ghi trong những ổ cứng có dung lượng rất lớn, luôn được sao làm hai bản.
Tôi cũng có khoảng 10 hòm thư được đánh số từ 1 – 10 và đều liên thông với nhau để cùng lưu trữ dữ liệu... Đó là chưa kể tư liệu viết tay, thậm chí tư liệu từ thời chưa có Internet xong rồi gõ lại để lưu… Thậm chí tất cả các cuống vé máy bay tôi đều chụp lại hết, lưu lại hết và đều có tên file.
Các chuyến đi công tác của tôi, một ngày tôi ghi âm hàng chục cuộc, một tháng hàng trăm cuộc, bao giờ cũng đặt tên một cách khoa học để muốn truy xuất, tìm là thấy ngay.
Có những tư liệu mà khi chụp tôi không biết nó có giá trị nhưng sau này mới biết là nó quý. Hôm vừa rồi tôi làm bài về tình trạng khai thác đá ở Hoà Bình. Tôi dùng máy Handycam zoom lên đỉnh núi và phát hiện ra có 2 người trên đó. Họ nhỏ bé như những con ruồi và không hề có dây bảo hiểm. Sau tôi viết bài “Những thung lũng ma và những nguyên liệu làm bằng máu” và mới biết, tối hôm đấy 2 người đấy, hai vợ chồng thợ đá, đã chết trên đỉnh núi. Chúng tôi đã viết về những thước phim định mệnh đăng trên báo Lao Động.
Thước phim ấy trở thành vô giá vì nó nói về một thực trạng rất sốc: Mới 2 ngày chúng tôi đi điều tra thôi mà những nhân vật chúng tôi nhìn thấy đều chết. Nói thế để thấy, nếu tư liệu không tốt thì rất khó làm báo. Đặc biệt khi bạn làm báo điều tra. Có những vụ mà 6 năm sau người ta mới kiện báo Lao Động, nhưng bọn tôi vẫn giữ được tư liệu.
Ngoài ra, khi bạn giữ được một tư liệu A, 10 năm sau bạn mới nhận được một tư liệu B, lúc đó xâu chuỗi, ráp nối lại bạn mới tìm ra vấn đề. Nếu tư liệu A mất thì còn gì là câu chuyện nữa.