Thứ năm, ngày 10/04/2025 13:42 GMT+7

Có gì bên trong Địa đạo Củ Chi "đất thép thành đồng", nơi được tái hiện trong phim Địa Đạo

Xuân Huy - Quang Sung Thứ năm, ngày 10/04/2025 13:42 GMT+7
Huyện Củ Chi, vùng đất thép thành đồng nơi cửa ngõ Tây Bắc TP HCM là biểu tượng của tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Địa đạo Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi) nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc. Nơi đây có hệ thống đường hầm dài hơn 250 km, là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước. Địa đạo được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và phát triển trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa đạo có mạng lưới đường hầm dọc ngang nhiều tầng sâu, kết hợp với khoảng 500 km chiến hào bao quanh. Ngày nay, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược và Bến Đình.
Trong khu di tích địa đạo Củ Chi có một công trình đặc biệt, đó là đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.
Đền được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Pháp và Mỹ xâm lược. Hai bên tả, hữu là 2 hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối Dân Chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang.
Tên liệt sĩ được khắc vào tấm bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có gần 46.000 liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm có Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 14.077 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán.
Trước khi đi vào sâu khu địa đạo là nơi trưng bày các loại bom, pháo của quân đội Mỹ đã từng sử dụng trên chiến trường Củ Chi và các loại vũ khí du kích Củ Chi dùng để đánh lại quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa. 
Từ năm 1954 - 1975, Mỹ đã trút xuống Củ Chi khoảng 500.000 tấn bom, đạn các loại (trung bình mỗi người dân nơi đây phải hứng chịu khoảng 1,5 tấn bom). Ngoài ra, khoảng 480 tấn chất độc hóa học các loại quân địch cũng đã rải xuống vùng đất anh hùng này.
Củ Chi là nơi hiếm hoi trên cả nước khi 1 huyện có 33 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.277 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10.488 liệt sỹ, 8.650 gia đình liệt sỹ, 1.656 thương bệnh binh, 4.330 người có công với cách mạng.
Toàn bộ địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài hơn 250 km, chia thành 3 tầng sâu khác nhau. Tầng cao nhất cách mặt đất 3 m, tầng giữa cách 6 m, tầng sâu nhất cách 12 m. 
Hầm bí mật có nhược điểm là khi bị phát hiện, dễ bị địch khống chế vây bắt hoặc tiêu diệt, bởi địch đông và lợi thế hơn nhiều. Từ đó, người dân nghĩ rằng cần phải kéo dài căn hầm bí mật thành những đường hầm và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật để vừa trú ẩn vừa đánh lại quân địch, và khi cần sẽ thoát khỏi chỗ nguy hiểm đến một nơi khác.
Trong địa đạo có nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch trong những cuộc hành quân khi mà có những khẩu súng bất ngờ "ở dưới đất chui lên" tiêu diệt hỏa lực và binh lính địch. Trong ảnh là một ụ chiến đấu của quân và dân ta.
Ngoài khu vực để bộ đội sinh sống, trữ vũ khí, địa đạo Củ Chi còn chia làm nhiều nhánh với các khu vực hố đinh, hầm chông, bãi mìn… Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sỹ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Với những chiến công hào hùng, địa đạo Củ Chi "đất thép thành đồng" đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Đào được địa đạo đã khó, nhưng làm sao để có thể đảm bảo đủ không khí lưu thông cho mọi người có thể bám trụ dưới hầm lâu dài thì còn khó hơn. Từ khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây đã sáng tạo ra cách lấy không khí thông qua các lỗ thông hơi. Trong các cuộc càn quét, lính Mỹ sử dụng chó Berger (béc - giê) dẫn đường săn lùng phát hiện địa đạo. Khoảng 3.000 con được huy động vào chiến trường Củ Chi, Bến Cát. Thủ đoạn dùng quân khuyển gây khó khăn nguy hiểm cho bộ đội và du kích, vì hơi người bốc lên các lỗ thông hơi và miệng hầm khiến chó rất dễ tìm ra. Thời gian đầu, du kích bắn chết chó, làm địch phát hiện, tập trung đánh phá. Về sau, các chiến sỹ tán nhuyễn ớt khô trộn với bột tiêu rắc vào các lỗ thông hơi, nhưng cũng không được vì chó hít phải tiêu ớt ho sặc sụa khiến địch phát hiện được địa đạo. Sau đó, chúng ta nghĩ ra cách dùng chính quân tư trang của lính Mỹ để đánh lạc hướng loài chó nghiệp vụ này. Theo tài liệu công bố, trong các chiến dịch dùng chó đánh địa đạo Củ Chi, 300 con chó bị chết bệnh và bị du kích bắn chết. Thủ đoạn dùng chó Berger để phát hiện đánh địa đạo của quân Mỹ bị thất bại.
Hầm bí mật trong địa đạo được cấu tạo theo nhiều cách, nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ thù đi trên mặt đất khó phát hiện được căn hầm. Người cán bộ sống trong vùng địch, ban ngày náu mình dưới hầm bí mật, ban đêm mới lên khỏi mặt đất, đi hoạt động.
Trong hình là phòng họp của Bộ Tư Lệnh. Theo lãnh đạo Ban quản lý di tích, cảnh phòng họp trong phim Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối, chính là quay tại căn phòng này. Để có thể diễn sao cho giống nhất với cách đi lại, sinh hoạt của cán bộ ta thời xưa, các diễn viên phải mất một tháng tập luyện tại đây để học cách di chuyển, sinh hoạt trong hầm.
Phòng làm việc vô cùng đơn sơ của Tư lệnh Quân khu. Chính từng những chiếc bàn tre, máy đánh chữ đơn giản, thô sơ, người cán bộ của quân ta đã chỉ đạo quân và dân lập nên chiến công hiển hách, vang dội thế kỷ 20.
Bếp Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra, được sử dụng phổ biến trong địa đạo. Loại bếp này có công dụng làm tan loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác.
Địa đạo rất hẹp, chỉ cho một người đi và phải cúi sát mặt đất mới di chuyển được. Có những nơi còn phải trườn hoặc bò mới có thể di chuyển. Ngày nay, những đoạn hầm cho khách tham quan đều được lắp đèn, có những nơi đã được khoét rộng thêm để dễ đi lại. Hệ thống địa đạo được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm, căn cứ ngầm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12 m; gồm 3 tầng có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Các đường hầm theo hình xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn thông với nhau, có nhánh mở ra tận sông Sài Gòn. Trong chiến tranh, đối phương liên tục tấn công vào địa đạo bằng nhiều phương tiện, như bom, bơm nước, hơi ngạt... nhưng do hệ thống được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều.
Bên trong địa đạo có toàn bộ những nơi sinh hoạt để cán bộ, chiến sĩ và người dân có thể sống dài ngày tại đây. Trong ảnh là giếng nước, sâu khoảng 10 m được đào bên trong hệ thống địa đạo. Nơi đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho quân và dân ta.
Thời kỳ địch đánh phá ác liệt, mọi hoạt động chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều ở dưới lòng đất. 
Trong thời kỳ kháng chiến, địch mở những cuộc hành quân mang tên Crimp (Cái bẫy), từ ngày 8/1 đến 19/1/1966; Cedar Falls mệnh danh là "Bóc vỏ trái đất" mở màn từ 8/1/1967. Chúng huy động hàng vạn quân được yểm trợ tối đa xe tăng, thiết giáp, pháo binh, không quân, đánh phá khốc liệt vào vùng “Tam giác sắt" nơi đây. 
Tuy nhiên, cuộc hành quân Cedar Falls bị tổn thất nặng hơn gấp đôi cuộc càn Crimp và phải chấm dứt sớm hơn dự tính (chỉ diễn ra có 19 ngày). Những quả "mìn gạt" do anh hùng Tô Văn Đực sáng chế được sử dụng khắp các trận địa, đã góp phần tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới và nhiều trực thăng, bộ binh Mỹ, đẩy lùi bước chân tội ác của quân thù. 
Đến thăm Địa đạo Củ Chi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Liễu (quê Phú Thọ), người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh xúc động nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc. Ông chia sẻ dù chiến tranh đã qua đi 50 năm nhưng những ký ức về một thời bom đạn khói lửa vẫn vẹn nguyên trong kí ức của ông. Chính mảnh đất Củ Chi "đất thép thành đồng" nơi đây đã góp phần vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta để tiến hành giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Củ Chi không chỉ nổi tiếng với địa danh Địa đạo Củ Chi mà còn nổi tiếng với củ khoai mì (củ sắn). Theo người dân, khoai mì trồng tại đây phát triển trên nền đất sét, ăn dẻo và rất ngon.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.