TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng
Hồng Giang
04/08/2023 8:00 AM (GMT+7)
Từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối.
Người dân mua sắm tại Co.opmart. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều nội dung liên quan đến giải pháp tăng sức mua cho thị trường tiêu dùng của thành phố; tình hình giá gạo trên địa bàn và kế hoạch thúc đẩy phát triển điện từ nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo được đại diện cơ quan chức năng thông tin.
Về vấn đề kích cầu tiêu dùng, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết năm nay do tình hình kinh tế khó khăn và người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm nên chương trình khuyến mại tập trung trong đợt 1 năm 2023 lần đầu tiên được kéo dài ba tháng từ 15/6 đến 15/9 (các năm trước chỉ kéo dài một tháng từ 15/6 đến 15/7).
Theo đó, chương trình chú trọng thực hiện các hoạt động tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, chương trình khuyến mại tập trung đợt 1 đã diễn ra được nửa giai đoạn; đóng góp vào sự tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu năm 2023 đạt 102.314 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng Năm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tháng Bảy đạt 103.857 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng Sáu và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê sơ bộ của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện tại cho thấy đã có hơn 3.100 doanh nghiệp với khoảng gần 8.000 chương trình khuyến mại hưởng ứng theo chương trình khuyến mại tập trung của thành phố; số lượng doanh nghiệp tham gia tăng 7,9% và số lượng chương trình tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có khoảng 30% số chương trình khuyến mại tập trung có hạn mức khuyến mại vượt 50%, nhất là các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, văn phòng phẩm…
Để tăng sức mua cho thị trường, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại theo nhóm, chuỗi để cùng liên kết, phối hợp chia sẻ chi phí, mang lại cho người tiêu dùng những lợi ích lớn hơn.
Đồng thời, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường tổ chức các buổi làm việc, các buổi họp để kết nối các doanh nghiệp và ghi nhận những ý kiến đóng góp, cập nhật những xu hướng, thông tin thị trường để lên kế hoạch tổ chức các sự kiện.
Hiện nay, Sở Công Thương đã lấy ý kiến các doanh nghiệp về sự kiện Ngày hội siêu khuyến mại hàng hiệu (dự kiến tổ chức từ ngày 8/9-10/9/2023, trong giai đoạn 2 của chương trình khuyến mại tập trung) với quy mô khoảng 70 gian hàng của các thương hiệu lớn và nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia trưng bày, mức ưu đãi khuyến mại cao, giảm giá sâu.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng vào các sự kiện khuyến mại thực chất, thiết thực trên sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia và xây dựng thương hiệu cho sự kiện để tổ chức thường niên vào các năm sau, trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố.
Từ đó, góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Về vấn đề giá gạo, ông Ngô Hồng Y thông tin, từ đầu năm đến nay, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn thành phố vẫn giữ mức ổn định, không có hiện tượng biến động mạnh; đặc biệt, giá mặt hàng gạo tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 không có điều chỉnh tăng giá.
Giá bán lẻ mặt hàng gạo trung bình trong tháng 7/2023: Gạo tẻ thường từ 15.900 đồng/kg đến 16.000 đồng/kg; gạo tẻ ngon từ 19.500 đồng/kg đến 20.900 đồng/kg; gạo nếp thường 22.600 đồng/kg; gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg...
Sản phẩm nông sản, trái cây Việt được đóng gói bao bì, ghi nhãn theo tiêu chuẩn chất lượng được kinh doanh tại các hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Từ nay đến cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối…
Theo đó, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân.
Đồng thời, các kế hoạch triển khai, tổ chức bán hàng lưu động của doanh nghiệp phải luôn chủ động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ.
Về việc phát triển điện từ năng lượng tái tạo, ông Ngô Hồng Y cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn mà nguồn điện chủ yếu là từ các khu vực lân cận.
Vì vậy, phát triển nguồn điện tại chỗ để cung cấp cho thành phố là việc làm cần thiết và phù hợp với sự phát triển chung.
Nhằm giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài, cũng như góp phần giảm dòng ngắn mạch cho lưới điện của Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nghiên cứu các nguồn điện tại chỗ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng; trong đó, ưu tiên quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng điện mặt trời mái nhà, năng lượng điện từ chất thải rắn, năng lượng điện gió…, nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15%.
Tuy nhiên, các dự án phát triển năng lượng tái tạo hiện chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Do đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thị sát tới Thượng Hải gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong kêu gọi đẩy nhanh quá trình xây dựng Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính toàn cầu giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Ngày 9/5 tới đây, hầm chui tại nút giao An Phú dự kiến thông xe nhằm góp phần giải toả áp lực ùn tắc giao thông cho khu vực TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Khi không tổ chức cấp huyện, đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư, Chủ tịch UBND TP quyết định việc điều chỉnh cấp quyết định đầu tư của các dự án trước đây thuộc cấp huyện
Trái ngược với dự tính ban đầu, số lượng khách ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong kì nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay 2025, tăng hơn khoảng 5% so cùng kỳ năm trước.
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thị sát tới Thượng Hải gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong kêu gọi đẩy nhanh quá trình xây dựng Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính toàn cầu giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Ngày 9/5 tới đây, hầm chui tại nút giao An Phú dự kiến thông xe nhằm góp phần giải toả áp lực ùn tắc giao thông cho khu vực TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Khi không tổ chức cấp huyện, đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư, Chủ tịch UBND TP quyết định việc điều chỉnh cấp quyết định đầu tư của các dự án trước đây thuộc cấp huyện
Trái ngược với dự tính ban đầu, số lượng khách ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong kì nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay 2025, tăng hơn khoảng 5% so cùng kỳ năm trước.
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.