Thời gian gần đầy, nhiều người dân sinh sống tại TP.HCM đang “đau đầu” chuyện buộc phải rút các hồ sơ đất về, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc không đủ tiềm lực tài chính để đóng tiền sử dụng đất.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Gia Bình (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Gia đình tôi có ý định xây nhà ở quận Bình Tân trên mảnh đất mà bố mẹ để lại. Tuy nhiên, vừa rồi khi làm các thủ tục hồ sơ nhà đất, ra sổ trước khi xây dựng, cơ quan chức năng tính toán gia đình chúng tôi phải đóng hơn 5 tỷ tiền thuế. Quá choáng, vợ chồng tôi xin rút hồ sơ về và đang tìm phương án khác”.
Theo ông Gia Bình, trước đây khi bảng giá đất mới của TP.HCM chưa ban hành, việc đóng tiền sử dụng đất còn khá thấp vì còn tính theo khu vực, theo con đường hiện hữu là đường bê tông, đường đất hay đường nhựa. Tuy nhiên, thời điểm trước 2024, gia đình ông kinh tế vẫn chưa vững chắc nên không thể làm các thủ tục về đất, kéo dài tới nay thì “choáng váng” bởi việc phải đóng thuế cao gấp nhiều lần trước, gần như sẽ bằng với giá trị của mảnh đất hiện tại.
Một trường hợp khác là chị Thục V. (ngụ Gò Vấp) cho hay: “Năm 2020, tôi mua mảnh đất hơn 150m2 ở Củ Chi nhưng là đất nông nghiệp, có 1 thời gian rao bán nhưng chưa tìm được khách, hiện nay muốn xin chuyển đổi 1 phần đất để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ và được văn phòng đăng ký đất đai thông báo việc phải đóng cả tỷ đồng cho khu đất, nên tôi đã xin bỏ hồ sơ. Những ngày qua, tôi phải thuê người rào lại đất, trồng cây và để vậy chứ chuyển đổi thì số tiền quá nhiều”.
Chia sẻ với Dân Việt, một cán bộ đang làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, những ngày qua việc người dân rút hồ sơ có diễn ra, tuy nhiên không rõ lý do vì sao người dân không tiếp tục thực hiện hoàn tất thủ tục vì đó là chuyện cá nhân. Trong ngày, đơn vị này vẫn tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ và giải quyết theo yêu cầu của người dân.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trường hợp các hộ dân thực hiện hồ sơ, xin chuyển mục đích sử dụng đất (có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất) và ngành thuế có thông báo đóng tiền sử dụng đất, lệ phí, thuế trước bạ… trong vòng 1 tháng người dân phải đóng đủ (đóng 1 lần theo quy định) nếu không theo nhiều quy định mới hiện tại người dân có thể bị đóng phạt lãi vì nộp chậm.
Bên cạnh đó, dù một số người dân tại TP.HCM nộp hồ sơ xin chuyển mục đích trước thời điểm ban hành bảng giá đất mới, thì cơ quan chức năng sẽ tính thời điểm tiếp nhận hồ sơ tính thu tiền, chứ không phải thời điểm nộp hồ sơ xin chuyển mục đích. Thời điểm tính tiền sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại luật Đất đai 2024.
Với nhiều trường hợp người dân tại TP.HCM rút hồ sơ làm thủ tục đất, các trường hợp người dân ở một số địa phương khác như Bình Dương cũng đang lo lắng về tình hình khi hợp nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Hoài Trung (ngụ Hòa Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho hay: “Hiện nay tôi có hơn 500m2 đất ở phường Chánh Mỹ, mặc dù chưa chuyển đổi được nhưng cũng đang lo lắng vì thời gian tới đây Bình Dương hợp nhất với TP.HCM thì sẽ có nhiều thay đổi về giá đất, điều này cũng gây ra nhiều lo lắng”.
Một trường hợp khác là chị An (ngụ Phú Tân, Thủ Dầu Một) hiện cũng đang băn khoăn, nếu Bình Dương hợp nhất với TP.HCM thì liệu bảng giá đất có thay đổi, việc sử dụng đất có khó khăn và số tiền sử dụng đất cao như các trường hợp tại TP.HCM.
Chia sẻ về những lo lắng của người dân, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông (Phudong Group) cho hay: “Điều người dân lo lắng về các thủ tục sau khi địa phương như TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu là có cơ sở, vì trước nay, mỗi địa phương hoạt động khác nhau, TP.HCM trực thuộc Trung ương sẽ có bảng giá, cơ chế hoạt động nhà đất khác, còn các tỉnh cũng vậy”.
Tuy nhiên theo ông Phúc, bảng giá đất căn cứ vùng địa lý, không phải trực thuộc Trung ương mà giá phải tăng hết.
“Theo tôi, đối với kinh tế, cơ quan chức năng đều có sự kiểm soát nhất định, phải có lộ trình, về bảng giá đất thì Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian trước đã có ban hành thay đổi về các quy định, bảng giá từng khu vực ở thời điểm Luật Đất đai mới có hiệu lực, đánh giá đúng về hiện trạng của từng địa phương. Còn khi hợp nhất, cơ quan chức năng sẽ có điều chỉnh cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến người dân, đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Phúc cho hay.
Chia sẻ với Dân Việt, một chuyên gia bất động sản cũng cho rằng khu vực đất ở các địa phương đều khác nhau, vùng trung tâm và vùng ven cũng hoàn toàn khác. Mọi đánh giá tăng giá trị sử dụng đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu tiền sử dụng đất cao ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế tư nhân, một số khu vực nhà đất sẽ tăng đột biến, khiến người dân khó tiếp cận hơn với đất và sử dụng tài nguyên đất.