
Người dân không nên vội vàng chặt bỏ thanh long
Trần Khánh
06/04/2022 3:07 PM (GMT+7)
Biến động thị trường khiến người trồng thanh long thua lỗ nặng. Không ít hộ dân đã chặt bỏ thanh long để chuyển sang cây trồng khác; thậm chí bán đất vườn thanh long.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần cân nhắc, không nên vội vàng chặt bỏ thanh long hoặc bỏ bê chăm sóc vườn.
Ngậm ngùi chặt bỏ thanh long
Suốt 30 năm trồng thanh long, chưa bao giờ ông Nguyễn Ngọc Ẩn ở xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành, Long An) chứng kiến giá thanh long xuống thấp suốt thời gian dài vừa qua. Quá khó khăn, ông đành bất lực phá bỏ 400 gốc thanh long.
Ông Ẩn kể, khi thanh long còn giá tốt, các con ông ở nhà, phụ việc chăm sóc vườn. "Nay tôi chặt bỏ thanh long, các con đi làm trong các xí nghiệp để có thu nhập ổn định hơn", ông Ẩn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn ở xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành, Long An) phá bỏ 400 gốc thanh long. Ảnh: Trần Khánh
Ngụ cùng xã Phước Tân Hưng, ông Nguyễn Thành Phương cũng dự định chặt bỏ thanh long. Thế nhưng ông Phương vẫn chưa xác định được sẽ trồng cây gì cho hiệu quả cao hơn.
Theo ông Phương, nếu quay lại trồng lúa sẽ không hiệu quả vì cây lúa thích nghi ở chân ruộng thấp, ngập nước.
Nhiều năm trồng thanh long, ông Phương đã vun cao đất vườn. Nay trồng lúa trở lại thì không thể bơm nước vào. Trước mắt ông Phương dự định trồng hoa màu để có thu hoạch trước mắt.
Cũng theo ông Phương, giá thanh long bấp bênh. Trong khi giá vật tư, công lao động tăng cao. Nhiều người gần như bỏ phế vườn thanh long. Vườn cây dần suy yếu, còi cọc và đang chết dần.

Nhiều nông dân ở huyện Châu Thành, Long An chặt bỏ thanh long. Ảnh Lê Đức
Theo thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, toàn huyện Châu Thành đã phá bỏ 200ha thanh long. Toàn tỉnh Long An có khoảng 1.000ha đã không còn tiếp tục trồng thanh long. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá bán không đủ bù chi phí sản xuất. Một số hộ đã chặt bỏ thanh long, chuyển sang trồng các loại cây khác.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người trồng thanh long cố gắng giữ vườn. Để cây thanh long phát triển bền vững, người dân cần thay đổi tập quán sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xuất khẩu thanh long chính ngạch.
Không nên vội vàng chặt bỏ thanh long
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, tình hình cũng không khả quan hơn. Ngay cả khi giá thanh long đang tăng trở lại nhưng nông dân vẫn không mặn mà tái đầu tư sản xuất.
Từ cuối tháng 3, giá thanh long ruột trắng ở Bình Thuận nhích lên 5.000 đồng/kg. Hiện nay, thương lái đang thu mua thanh long tại vườn với giá từ 12.000-14000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Võ Hồng Chiến ở xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho rằng, giá thanh long hiện chỉ tăng trong ngắn hạn. Nguyên nhân do sản lượng thanh long tại các nhà vườn không còn nhiều.

chặt bỏ thanh long: Đợt thanh long rớt giá suốt thời gian dài vừa qua khiến nhiều nông dân ở Bình Thuận cắt bỏ trái thanh long do không tiêu thụ được. Ảnh: Trần Khánh
Thời điểm đầu tháng 4 (trùng với tháng 3 âm lịch) có nhiều ngày lễ cúng nên nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thị trường nội địa gia tăng.
Do nguồn cung khan hiếm nên thương lái tăng giá thanh long để gia tăng sản lượng thu mua; đồng thời kích thích nông dân quay trở lại chăm sóc.
Tuy nhiên, giá thanh long hiện nay chỉ mới nhỉnh hơn giá thành 1 ít. Trong khi nhiều nông dân đã "kiệt sức" trong đợt rớt giá kéo dài trước đó.
Gia đình ông Chiến đang trồng 4.000 trụ thanh long. Ông Chiến khẳng định, trong lúc này mà đầu tư mạnh vào thanh long là cầm chắc thua lỗ.
"Tình hình xuất khẩu thanh long vẫn chưa khởi sắc. Vì thế, nông dân chưa mạnh dạn tái đầu tư", ông Chiến giải thích.
Hiện tại, mùa thanh long nghịch vụ ở Bình Thuận vẫn chưa kết thúc. Thế nhưng, nhiều vườn thanh long ở các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong không còn sum sê, trĩu quả như cùng thời điểm các năm trước.
Biến động thị trường khiến nông dân thua lỗ nặng. Nhất là giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao. Nhiều nông dân chỉ trồng cầm cự.
Không ít hộ dân đã chặt bỏ thanh long để chuyển sang cây trồng khác; thậm chí bán đất vườn thanh long.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750ha.
Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích thanh long toàn tỉnh đã giảm hơn 936ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân duy trì chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Trần Khánh
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, người dân chặt bỏ hoặc chuyển đổi thanh long sang một số cây trồng khác do giá thanh long xuống thấp.
Từ đầu năm đến nay, giá vật tư đầu vào lại tăng cao nên người dân không gánh nổi chi phí để duy trì sản xuất.
Trong khi đó, ở một số địa bàn, giá bất động sản tăng mạnh. Người trồng thanh long bán đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Một số diện tích thanh long già cỗi, sản lượng thấp nên người dân cũng chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị người trồng thanh long cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh.
Trong tình hình giá thanh long bấp bênh như hiện nay, người dân cần cân nhắc, không nên vội vàng chặt bỏ thanh long, hoặc bỏ bê chăm sóc vườn.
Ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nông dân nên tạm dừng khai thác vườn thanh long. Nhà vườn nên dọn cỏ, tưới nước cho cây và giảm lượng phân bón.
"Việc duy trì chăm sóc nhằm tránh tình trạng cây thanh long bị suy kiệt, teo tóp. Đến khi tình hình thị trường ổn định sẽ tiếp tục đầu tư khai thác", ông Bảo đề nghị.
Hà Nội: Ai có quyền điều chỉnh cấp quyết định đầu tư các dự án cấp huyện?
Khi không tổ chức cấp huyện, đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư, Chủ tịch UBND TP quyết định việc điều chỉnh cấp quyết định đầu tư của các dự án trước đây thuộc cấp huyện
Bất ngờ lượng khách ra đảo Lý Sơn trong dịp lễ 30/4 và 1/5
Trái ngược với dự tính ban đầu, số lượng khách ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong kì nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay 2025, tăng hơn khoảng 5% so cùng kỳ năm trước.
Sân bay Tân Sơn Nhất tất bật đón hàng nghìn lượt khách đi/đến TP.HCM
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Những sân bay nào là điểm nóng dịp lễ 30/4-1/5?
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Chung cư một khu vực tại TP.HCM bất ngờ thu hút nhà đầu tư, vì sao?
Các tháng đầu năm, chung cư khu Tây TP.HCM đang nhận được mức độ quan tâm của nhà đầu tư khiến giá bán phân khúc này có dấu hiệu tăng nhiệt.
Phân bón Bình Điền: Bứt phá trong gian khó, hướng đến phát triển bền vững
Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024 – Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Báo cáo của Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông tại Hội nghị đại biểu người lao động đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty.