Các công ty bảo hiểm triển khai xử lý thiệt hại của khách hàng sau bão Yagi
Huyền Anh
08/09/2024 3:54 PM (GMT+7)
Lãnh đạo các công ty bảo hiểm cho biết, các nhân viên bảo hiểm tích cực triển khai thu thập và giám định thiệt hại về con người, tài sản của khách hàng, nhanh chóng xử lý các phát sinh về quyền lợi bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm mất 5 - 7 ngày thu thập thông tin tổn thất từ khách hàng
Đại diện các công ty bảo hiểm cho biết, phải mất từ 5 – 7 ngày, các công ty bảo hiểm mới thu thập đầy đủ các tổn thất, thiệt hại của khách hàng tham gia bảo hiểm do ảnh hưởng của siêu bão Yagi. Ngay sau khi siêu bão đi qua, các công ty đã lập tức bố trí các giám định viên, đội phản ứng nhanh tiếp cận hiện trường xác minh tổn thất cho khách hàng, đặc biệt là các vụ có tổn thất lớn.
"Sau khi tiếp cận thông tin từ khách hàng, chúng tôi thực hiện hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục xử lý và lập tức bố trí nhân viên tổ chức giám định và cùng các bên liên quan để ghi nhận thiệt hại, xử lý các phát sinh về quyền lợi bảo hiểm của khách hàng một cách nhanh chóng", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Khách hàng chụp lại hiện trường. (Ảnh: NH)
Giám đốc chi nhánh Hải Phòng - Quảng Ninh của một công ty bảo hiểm khác cũng cho hay, chi nhánh cũng tổ chức túc trực 24/7 để tiếp nhận thông tin và đưa ra các hướng dẫn khách hàng cách xử lý để hạn chế tổn thất.
"12 giờ đêm qua, các nhân viên vẫn còn tiếp nhận được thông tin từ khách hàng và hôm nay bắt đầu từ 6h sáng. Tại địa phương có thiệt hại nặng nề do siêu bão yagi, vì vậy nhân viên chi nhánh cũng phải "căng mình" để làm sao phối hợp với khách hàng được thuận lợi nhất và nhanh nhất, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Hiện tại, chi nhánh đang tập trung xử lý những vụ có tổn thất lớn, đối với các thiệt hại về tài sản như xe cộ, máy phát điện,... đều ủy thác cho chủ xe tự chứng minh thiệt hại", vị giám đốc này chia sẻ.
Ông cũng cho hay, theo quy định việc bồi thường sẽ diễn ra chậm nhất sau 15 ngày sau khi khách hàng chứng minh được các tổn thất và gửi hồ sơ tới công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ sau vài ngày sau khi hồ sơ đã đầu đủ, khách hàng đã được nhận tiền chi trả bồi thường từ công ty bảo hiểm, thậm chí, có những vụ tổn thất nhỏ, việc chi trả tiền bồi thường diễn ra ngay trong ngày.
Đối với bảo hiểm tài sản, đặc biệt là bảo hiểm ô tô, vị này cũng lưu ý, mức bồi thường phụ thuộc vào giá trị xe mà người tham gia bảo hiểm đã khai báo khi tham gia bảo hiểm.
"Có những chiếc xe giá trị thức 1 tỷ, nhưng khi tham gia bảo hiểm vì muốn giảm mức phí phải đóng, người tham gia bảo hiểm đã khai xuống chỉ còn 500 triệu đồng, thì khi tổn thất xảy ra, mức bồi thường cũng chỉ được chi trả dựa trên giá trị tài sản đã ghi trên hợp đồng", ông nói.
Riêng đối với bảo hiểm nông nghiệp, cần có công ty bảo hiểm giám định chuyên nghiệp, theo lãnh đạo công ty bảo hiểm.
"Theo luật, người tham gia bảo hiểm phải chứng minh tổn thất. Công ty phải xác minh và thẩm định. Tuy nhiên, với bảo hiểm nông nghiệp, công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm sẽ cùng nhất trí ủy thác cho một công ty giám định chuyên nghiệp. Kết quả của công ty giám định này sẽ được công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm công nhận, để xử lý bồi thường", Phó Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm cho hay.
Vị này cũng lưu ý, theo quy định người tham gia bảo hiểm vẫn phải thực hiện thông báo, đồng thời có trách nhiệm ghi lại những tổn thất (như chụp ảnh, quay video,...) gửi tới công ty bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
Toan tính của các công ty bảo hiểm
Về tác động của sự kiện này tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp cho biết, đây được ví như "đòn giáng mạnh" đối với các công ty bảo hiểm.
"Chúng tôi vẫn đang thực hiện thống kê, xác minh tổn thất của khách hàng trong vụ siêu bão Yagi, nhưng theo ước tính, con số bồi thường năm nay của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với sự kiện thiên tai tại Miền Trung năm 2022.
Trong bối cảnh, đại lý khó khai thác doanh số sau khủng hoảng của thị trường bảo hiểm (nửa đầu năm nay, tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 15% nhưng doanh số giảm 6% so với cùng kỳ), sự kiện lần này sẽ khiến cho doanh nghiệp khó càng thêm khó", đại diện doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Thậm chí, Phó Tổng Giám đốc của Công ty Bảo hiểm lớn còn cho biết, họ đã và đang phải lên kế hoạch xin điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2024 vì sự kiện này.
Bão gây thiệt hại nặng
Theo các báo cáo nhanh gửi về Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các địa phương đánh giá, thiệt hại do siêu bão Yagi (bão số 3) rất lớn. Chẳng hạn như tại Thái Bình, tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Còn theo cập nhật đến 7h ngày 8/9, sơ bộ một số thiệt hại do cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua bao gồm: 5 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1); 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ.
Thiệt hại do siêu bão Yagi (bão số 3) rất lớn. (Ảnh: VPĐB)
Riêng nông nghiệp, 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình: 76.345 ha; Hải Phòng: 6.750 ha; Hải Dương 11.200 ha; Bắc Ninh: 11.009 ha; Hà Nội: 6.218 ha; Nam Định: 2.800 ha; Hưng Yên: 11.923 ha; Hà Nam: 7.418 ha...); 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng: 1.000 ha; Thái Bình: 1.385 ha, Hưng Yên 1.818 ha,...); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024 – Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Báo cáo của Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông tại Hội nghị đại biểu người lao động đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty.
Trước nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh, thành phía Nam sẽ không thực hiện cắt điện trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới.
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024 – Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Báo cáo của Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông tại Hội nghị đại biểu người lao động đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty.
Trước nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh, thành phía Nam sẽ không thực hiện cắt điện trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới.